Giải quyết đề thi Văn vào lớp 10: Kĩ năng viết bài nghị luận văn học đạt điểm cao

0
307
Xác định được yêu cầu của đề bài, triển khai đầy đủ và rõ ràng các ý, làm nổi bật được nội dung và đặc sắc nghệ thuật… là những kĩ năng cần thiết khi viết bài văn hoặc đoạn văn nghị luận văn học.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang – Giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết nghị luận văn học là dạng bài bắt buộc phải có trong cấu trúc đề thi học kì và đề thi vào lớp 10, thường chiếm trọng số từ 3 – 3,5 điểm. Vì vậy, muốn bài viết đạt điểm cao thì học sinh phải nắm chắc kĩ năng và luyện viết bài để nâng cao khả năng diễn đạt.

Kĩ năng viết bài nghị luận đối với văn bản thơ

Thông thường, với văn bản thơ, đề thi sẽ yêu cầu phân tích đoạn thơ hoặc khổ thơ. Với phần này, học sinh cần nắm rõ và chú ý đến các yếu tố sau:

Thể thơ: Bài thơ được viết theo thể thơ gì? Tác dụng của thể thơ ấy trong việc thể hiện nội dung, chủ đề của tác phẩm.

Hình ảnh, chi tiết thơ: Phân tích kĩ những chi tiết, hình ảnh nào đặc sắc.

Biện pháp nghệ thuật: Bài thơ sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Phân tích tác dụng của các biện pháp nghệ thuật.

Ngôn ngữ, giọng điệu thơ: Nhận xét về đặc điểm ngôn ngữ và rút ra được giọng điệu chính của đoạn thơ, bài thơ.

Lưu ý khi phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, học sinh cần phân tích một cách chọn lọc, bám sát và xoáy sâu vào các hình ảnh và biện pháp nghệ thuật tiêu biểu để làm nổi bật lên vấn đề mà đề bài yêu cầu. Đồng thời, người viết cũng cần nêu lên được những nhận xét, đánh giá, sự cảm thụ riêng của riêng mình. Có như vậy thì mới gây ấn tượng được với người chấm và giúp bài thi đạt điểm cao.

Giải quyết đề thi Văn vào lớp 10: Kĩ năng viết bài nghị luận văn học đạt điểm cao
Ảnh minh họa

Kĩ năng viết bài nghị luận đối với văn bản truyện

Với phần này, học sinh cần phân tích tác phẩm dựa trên bốn yếu tố sau đây:

Cốt truyện và tình huống truyện: Văn bản có những sự kiện chính nào? Nêu diễn biến của nó theo trình tự thời gian, không gian… Tình huống truyện của tác phẩm là gì? Ý nghĩa của tình huống truyện.

Chủ đề: Chủ đề của tác phẩm là gì? Việc lựa chọn chủ đề như vậy thể hiện tình cảm của tác giả như thế nào? Chú ý các chi tiết nghệ thuật đặc sắc mà tác giả đã sử dụng.

Ngôi kể: Truyện kể theo ngôi thứ mấy? Phân tích vai trò của ngôi kể trong truyện.

Nhân vật: Từ đặc điểm của nhân vật (hoàn cảnh xuất thân, tính cách nhân vật, vai trò của nhân vật trong tác phẩm…) khái quát thành hình tượng nghệ thuật tiêu biểu.

Đặc biệt, học sinh nên tập trung phân tích kĩ và dành nhiều “đất diễn” cho nhân vật vì đây là “chất liệu” chính để tạo nên một văn bản truyện. Và cũng chính nhân vật với những nét tính cách tiêu biểu sẽ là nơi để tác giả gửi gắm tư tưởng, thông điệp của mình.

“Ngoài việc nắm vững kĩ năng thì khi viết bài nghị luận văn học, học sinh tuyệt đối không được viết theo kiểu gạch đầu dòng mà phải viết thành các câu văn, đoạn văn rành mạch, phân tách ý theo từng luận điểm, luận cứ và nêu dẫn chứng rõ ràng. Bên cạnh đó, nên dành ra 5 – 10 phút để lập dàn ý vắn tắt trước khi viết bài hoàn chỉnh, tránh tình trạng bị thừa ý, thiếu ý hoặc bài viết bị lạc đề”, cô Trang chia sẻ thêm.

Thúy An (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây