Tôi làm việc cống hiến không vì lương

0
370
Tôi đi làm ngoài mục đích hưởng lương, còn nhằm trau dồi kiến thức để dù không được sếp trọng dụng vẫn còn nhiều nơi khác sẵn sàng chào đón.

Trả lời cho câu hỏi “Có nên tận hiến vì công ty?”, nhiều độc giả chia sẻ quan điểm ủng hộ thái độ tận tâm, hết mình vì công việc:

Những đóng góp, sự tận tâm, cố gắng, nỗ lực của bạn ở công ty cũ không được sếp ghi nhận. Điều đó khiến bạn cảm thấy hụt hẫng và không còn muốn tận tâm cho công việc, sợ lịch sử ặp lại. Nhưng có bao giờ bạn bình tâm ngồi suy nghĩ lại, trong suốt những năm bạn làm ở công ty cũ, bạn được gì và mất gì? Bạn không được ghi nhận, nhưng bạn có được khá khá kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng làm việc. Những điều bạn có được giúp ích rất nhiều khi bạn làm ở công ty mới, chúng không hề vô nghĩa hay lãng phí. Chúng có thể được xem như một bàn đạp để bạn tiến xa hơn.

Dù bạn làm việc ở đâu, bất kỳ vị trí công việc nào thì hãy cứ làm thật tốt, hết mình, luôn phát triển kỹ năng kiến thức, nâng cao giá trị của bản thân. Và đến khi bạn cảm thấy những nỗ lực, đóng góp của mình mà sếp không ghi nhận thì “nhảy việc”. Tôi tin rồi bạn sẽ nhận được quả ngọt. Còn làm việc mà hờ hững, làm cho hoàn thành việc thôi, thì chính bạn đang lãng phí thời gian của mình, bỏ đi cơ hội để mình rèn luyện giỏi hơn. Làm việc với thái độ như vậy thì bạn vừa chẳng được lương cao hơn, mà sẽ luôn nằm trong tầm ngắm bị sa thải bất cứ lúc nào. Khi bạn có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng làm việc tốt, có đạo đức thì chẳng việc gì phải lo lắng nếu sếp không trọng dụng (chẳng may bị sa thải một cách vô lý hoặc lương không phù hợp), ngoài kia sẽ có đầy công ty mở cửa chào đón bạn.

Uyen Ka

Theo tôi, khi bạn xác định được việc đi làm vì những mục đích gì thì bạn sẽ thấy nên hay không nên. Tôi đi làm ngoài mục đích hưởng lương thì còn có các mục đích khác như: thông qua công ty nơi mình làm việc để cống hiến cho xã hội. Ví dụ, khi bạn đi khám bệnh và bạn gặp một người bác sĩ làm việc hời hợt (cũng có lý do như bạn). Thay vì sẽ khám và dặn dò bạn kỹ lưỡng thì họ chỉ khám cho xong, nên không phát hiện đúng bệnh của bạn. Khi đó hậu quả ai sẽ gánh ngoài bệnh viện nơi người đó làm việc?

Rồi mục đích đi làm để muốn trau dồi kiến thức. Nếu chỉ làm cho xong việc thì khi chuyển tới nơi mới, cho dù lương có cao hơn nhưng khi gặp những tình huống cần có kinh nghiệm để giải quyết thì bạn sẽ xử lý ra sao? Nếu xử lý không tốt mà người khác trong công ty làm tốt hơn thì trong tương lai ai sẽ là người được đề bạt thăng tiến, cũng như mức lương của bạn sẽ tăng cao hay thấp hơn? Tương tự, nếu một người bác sĩ khám cho có, khi về nhà mở phòng mạch tư thì bạn có tới chỗ người bác sĩ này để khám bệnh không?

Tóm lại, theo tôi, chính bạn là người tạo ra cuộc sống của mình, không ngoài ai hết. Mình sống sao thì sẽ nhận được kết quả vậy, chỉ có điều nó sẽ đến sớm hay muộn. Hãy thật sáng suốt và thành công trong cuộc sống.

Tran Kevin

Quan điểm của tôi là bạn phải nâng cao kiến thức của mình qua công việc. Tìm tòi, áp dụng được những thứ mới để tăng năng suất, và chia sẻ những thứ đó với đồng nghiệp thì lúc đó bạn sẽ chủ động được và công ty sẽ luôn trong tâm thế phải giữ bạn lại. Có một thực tế là một công việc đó, người ta làm 20 năm nhưng năng suất chỉ gấp đôi một người làm một năm, nếu thế tôi sa thải bạn đó và tuyển hai người mới sẽ có lời hơn nhiều. Hãy cống kiến theo kiểu công ty không thể thiếu bạn được. Và dù có đi đâu thì bạn vẫn có một mớ kiến thức của mình.

Nguyn Hoàng

Nếu sếp không tốt thì mình ra đi không có gì hối tiếc cả, ngược lại sẽ là cơ hội tốt để bạn vươn lên ở môi trường mới. Giả sử sếp bạn tốt mà bạn vẫn bị hắt hủi thì có thể khả năng của bạn chưa đạt, lại càng phải cố gắng trau dồi hơn nữa. Khi bạn đã đủ cứng cáp để trở thành một người quan trọng thì các sếp mới là người lo lắng sẽ mất bạn, chứ bạn không còn phải canh cánh lo mình bị hắt hủi. Hãy có niềm tin như vậy.

Ly Hai

Quan trọng là việc bạn làm có đóng góp gì cho công ty không, cả cũ và mới. Nếu thực sự có đóng góp thì bạn hãy tự nhủ mình đã có ích cho họ và lấy đó làm niềm vui, không có gì phải xấu hổ. Còn nếu họ bạc bẽo với bạn khi gặp lại, họ sẽ là người phải cúi đầu. Nên tóm lại, ở đâu bạn cũng nên chọn tận hiến để không hối tiếc về sau.

Minh

Thúy An (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây